Nỗi lo chung của cả đoàn, đó là vấn đề ẩm thực. Sợ chế biến không sạch rồi lại đau bụng ( gớm, làm như Việt Nam thì sạch lắm...), sợ bị cay quá, sợ không ăn quen ăn hợp... Tôi có chút ít vốn liếng với món roti prata và xơi được cà-ri, nhưng mà 1 tuần thì, chẹp chẹp...
Vậy nên thật tình cờ và thật bất ngờ, cà-ri ngon tuyệt với đủ loại mùi vị, tôi ăn suốt một tuần liền không ngán!
Tôi chưa đủ tinh tế để nhận ra sự khác nhau giữa đồ ăn khu vực Nam Ấn và Bắc Ấn, chỉ thấy ở phía Bắc vị có vẻ hăng nồng hơn và thiên về các món nướng, chắc tại giời lạnh. Gi gỉ gì gi món gì ở Ấn cũng phảng phất mùi cà-ri dù ít hay nhiều, hoặc là tôi tưởng tượng chứ thật ra đó là mùi các loại gia vị?
Nó rất là ngon từ thịt ngọt từ xương nhé, lại còn có nước dừa béo ngậy để ta cứ múc thìa này lại thèm thìa nữa! Rồi mùi gia vị các loại phảng phất như là cô gái Ấn Độ đeo mạng che mặt, bí hiểm chẳng ai biết mặt biết tên nhưng chỉ cần một đôi mắt ấy là đủ ngất ngây rồi. Thường thì trong một món cà-ri sẽ có quế, hồi, hạt thì là, mùi, tiêu, ớt khô, thảo quả, nghệ ... và đương nhiên là lá cà-ri nữa. Nói chung có một danh sách các loại herb của Ấn Độ, đọc mãi không hết, thành ra nhìn vào món cà-ri ta cảm giác như nhìn vào một đống nham thạch nhuyễn nhuyễn bốc khói, chư gì đã thấy toát mồ hôi lên được! Thế nhưng để làm ra được cái món nham thạch đang bày biện trước mặt ta, thì ông bác Ấn Độ đã phải cực kỳ tinh tế trong điều chế. Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh những bàn tay ấy vốc lấy một nắm này, thả xuống một nắm nọ và quay đều thìa súp... như kiểu con chuột trong Ratatouille ý!
Ngày đầu tiên xuống sân bay New Delhi, chúng tôi rã rời ngủ đêm trong một cái Inn tối thui, xung quanh là chợ búa ở ga tàu nom rất đáng sợ, nên chẳng dám đi ăn đâu hết. Bữa đầu tiên ở cái xứ này là lôi từ trong vali ra, toàn marineboy với cả xúc xích con bò vissan, hình như đến nước sôi cũng chẳng có mà đun mì gói nữa, hic.
Vì thế bữa trưa sau hôm sau thật là sự đền bù xứng đáng!!! Nhưng để chạm môi được vào cà-ri và bánh mỳ thì quả là một cuộc chinh phục mầm đá dưới cái nóng gắt gao. Trước khi đi tôi đã cẩn thận dắt túi dăm ba địa chỉ ăn uống thu được trên Lonely Planet và Tripadvisor ( chân thành khuyên các bạn trước khi đi đâu hãy check hai chỗ đấy, thế là hòm hòm mà lên đường rồi!), thế mà đến nơi vẫn là con gà bị đem đi hết chỗ này đến chỗ kia.
Đến đây lại phải dài dòng một tý về cái vụ tài xế ở Ấn. Các bạn các bác lái xe, từ rickshaw cho đến taxi đa phần đều dễ thương, ham tiếp chuyện, nhưng có một luật bất thành văn là, bạn sẽ bị chở đi đến một số nơi không nằm trong kế hoạch. Xem đá quý chỗ này, đi ăn ở chỗ này, mua vải ở đây... họ luôn có vài địa điểm dắt túi để dẫn bạn đến, bởi vì hai chữ Hoa Hồng. Dẫn khách đến, khách mua đồ thì sẽ được bao nhiêu bao nhiêu phần trăm... Là khách du lịch thì cũng hơi bực mình đấy, tự dưng mất thời gian đi một số nơi mình chẳng thích, nhưng mà ta cũng phải thông cảm cho người ta một tý vì miếng cơm manh áo mà. Với lại nếu bạn tỏ thái độ cương quyết thì người ta cũng không dám làm tới đâu, chẳng qua chúng tôi lúc đó vẫn còn gà :))
Tóm lại, bữa trưa đấy chúng tôi bị đưa đẩy đến một chỗ giá cao gấp ba, bốn lần nơi tôi đã nghiên cứu và chất lượng thì chưa được kiểm định. Đã ngồi xuống rồi nhưng cả bọn nhìn menu xong vẫn nằng nặc quyết tâm đến được cái chỗ Joney's Place được recommend trên tripadvisor, mặc dù tên lái taxi vẫn năn nỉ đi thêm chỗ khác, giá rẻ và ngon... Ôi không thể tin được! Tôi chỉ muốn ăn cà-ri ở Joney's place thôi mà :((((
Vẫn tiếp tục bài ca nịnh nọt, tên tài xế lại bảo chúng tôi đường đi đến chỗ đó ô tô đi không được, phải thuê xích lô, rickshaw, tốn thêm tiền, mất thời gian ... mệt quá, nhưng anh em đã quyết rồi, chịu khó trả thêm hai trăm bốn rupee cho nó êm xuôi. Vậy là 6 đứa chia thành hai toán ngồi lên chiếc cycle rickshaw do một bác già già tất tả kéo đạp. Một trăm hai rupee cho mười phút kéo ra lên dốc giữa trưa nắng...
Lan man quá, tóm lại sau khoảng 45 phút kịch tính mệt mỏi đói meo, chúng tôi đã đến Joney's Place - một quán ăn bé tẹo ngay gần Taj Mahal. Vỏn vẹn khoảng 6m2 thôi mà rất xì-tin, màu mè tươi tắn như một hàng ăn dưới vùng quê miền Tây. Dấu tích của biết bao hành khách để lại từ khắp nơi trên quả đất to đùng được gom góp lại trong không gian bé tý ấy, nóng, chật và tỏa mùi cà-ri thơm nồng.
Đó là bữa ăn đầu tiên chính thức của chúng tôi, lần đầu tôi được ăn cà-ri chính gốc trên đất Ấn, chứ không phải thứ cà-ri loãng ăn kèm bánh prata như ở Sing. Hẳn cả đoàn đều có chung suy nghĩ như tôi, tất cả vục mặt vào xé bánh, chấm mút, xuýt xoa, hít hà. Ôi chao, sao mà thơm, sao mà hăng, sao mà nóng! Prata mỡ màng dai dai, naan thì dày và xốp, thỉnh thoảng cắn vào chỗ nướng cháy sẽ giòn ơi là giòn.
|
Cùng vui vẻ trước khi lâm trận |
|
chụp hơi chán nhưng chẳng qua vì mải ăn không thèm chăm chút! |
Cần phải cà kê thêm về hai loại bánh hết sức quan trọng trong đời sống ẩm thực Ấn Độ: paratha và naan.
Paratha là phiên bản dầu mỡ béo bở hơn, được làm giống như pancake, bột mịn trải đều trên bàn nướng Tava ( nhìn như cái chảo úp ngược) rồi rưới thêm chút dầu, tùy chỗ. Làm paratha thì khó ai có thể làm sai được, nhưng để ngon thì có vẻ căng. Nào là phải pha bột cho đúng chuẩn trước đã, sau đó bàn tay nhào bột thành viên bánh phải thật khéo léo, lúc kéo cục bột thành bánh phải cực nhanh và đều để không khí chui vào giữa các lớp bánh mỏng tang... Paratha là cục bột dễ tính có thể đi kèm nhiều thứ: bơ, tỏi, trứng, nấm... thậm chí ở Sing còn có phiên bản ngọt với mật ong, sôcôla, dâu tây nữa. Nom nom.
Khác với người anh em Nam Ấn Paratha, Naan đến từ xứ lạnh phương Bắc nên quy trình nó cũng khác. Naan cũng là cục bột trắng trẻo, nhưng thay vì kéo ra kéo vào xèo xèo, chú ta sẽ được xếp tròn ngay ngắn trên lò nướng Tandoor cho đến khi bề mặt lốm đốm vệt cháy và phồng lên như chấm bi. Naan nói chung gần giống bánh mỳ, ăn kèm cà-ri và các món thịt nướng tandoori rất là hết ý.
Trong suốt chuyến đi, những bữa ăn uống không chỉ là được ăn ngon. Những trải nghiệm trước, trong và sau khi ăn luôn đáng nhớ ngang ngửa với mùi cà-ri thơm nức. Chiều hôm đó, sau khi choáng váng với Taj Mahal và Agra Fort, bầy đoàn lại được ăn tối trên sân thượng của một quán nhìn thẳng ra Taj. Mới đầu trời còn mưa lâm thâm làm các bạn trẻ phải chờ đợi dưới tầng 1 tối tăm mù mịt, nhưng may quá giời không phụ lòng người, sau dăm phút chúng tôi hồi hộp háo hức kéo nhau lên tầng cao, và ố á liên tục! Trải ra trước mắt không chỉ là Taj Mahal kiêu mà còn là khu xóm của những mái nhà lúp xúp. Tôi gọi đây là "văn hóa sân thượng": có bọn trẻ con thả diều này, có các bà bế em bé ngồi buôn chuyện với nhau, có khỉ chuyền từ nhà này sang nhà khác, và bọn này quả là những tên trộm chuyên nghiệp; ấn tượng khó phai nhất là một bác ngồi trên chiếc ghế xì-tin, vừa nói chuyện điện thoại vừa vẫy chúng tôi và pose ảnh nhiệt tình! Ở trên này thấy được mọi ngõ ngách hang hốc trong cái hệ thống nhà như mê cung này, hao hao một tý giống xóm ngõ ở Hà Nội, kiểu như khu nhà ga Lê Duẩn Văn Chương ấy. Bao nhiêu là thứ để xem, mỗi khu nhà sẽ có một nhóm người họat động, nơi náo nhiệt nơi yên bình. Cái xóm này, ngay sát Taj Mahal nơi thu về cho Ấn Độ không biết bao nhiêu là tiền của, vậy mà nghèo rớt, nếu đi ở dưới thì biết bao nhiêu hình ảnh cái nghèo cứ đeo bám chiếc rickshaw chở chúng tôi. Nhưng sân thượng hình như bao dung hơn, chỉ có những cảnh yên bình mới leo lên được trên này thôi.
Lúc đấy và cả bây giờ nữa, cảm giác của tôi mỗi khi nghĩ đến sân thượng của nhà hàng ấy, là phim Aladdin, ôi cái cảnh nhìn từ chỗ chúng tôi ăn, sao mà y hệt cảnh trong phim nhìn từ khu chợ bazaar của Aladdin, lại còn bọn khỉ ăn trộm nữa chứ, y hệt con Abu.Về nhà search lại thì đúng là phim Aladdin lấy khung cảnh dựa trên Taj Mahal thật, tên trong phim của thành phố đấy là Agrabah! Thế là mình đã được ngồi trong một giấc mơ cổ tích.
|
Xa xa là Taj Mahal |
|
Briyani!
|
|
nhân vật xì-tin nhất! |
Không phải tại tôi quá thích cà-ri hay là chỗ nào ở Ấn làm cà-ri cũng ngon tuyệt? Từ những quán ăn hang hốc nhỏ bé như Joney's cho đến bếp ăn khách sạn, không có chỗ nào chê được cả. Đến Jaipur chúng tôi không thèm đi đâu xa mà bám rễ luôn ở nhà hàng Peacock ngay trên sân thượng khách sạn ( lại sân thượng!) Trước khi nhấm nháp các loại cà-ri bánh trái, riêng khoản hay ho của nhà hàng ( và cả khách sạn) đã làm chúng tôi nghiêng ngả rồi. Mỗi bàn có một kiểu ghế sắt uốn khác nhau: con công, con cá, con gà... chung quanh là nến đặt trong đèn treo và những dải đèn nhấp nháy. Trên tầng cao nhất là một gian nhà mở, đặt nệm kiểu Trung Đông, chỉ thiếu shisha là đủ bộ.
Cà-ri ở đây đậm mùi quốc tế - bao nhiêu lượt khách bốn phương lũ lượt ở đây, và tôi tin chắc ai đã ăn ở nhà hàng một lần thì sẽ còn quay đi quay lại. Không giống các quán nhỏ nhắn thường sẽ chuyên tâm với một vài món đặc sản, thực đơn ở Peacock khá phong phú, từ hương vị Rajasthan cho đến các loại Tandoori miền Bắc và bánh miền Nam, thậm chí để chắc ăn nhà hàng còn dặm thêm ít đồ Âu và đồ tàu cho những ai không ăn quen. Thôi thì các bác cứ làm món gì cũng được, miễn sao đảm bảo cà-ri vẫn chất lượng, lũ trẻ không mong gì hơn thế. Ôi, chính ở đây chúng tôi đã được khai phá nước lọc vị bạc hà-chanh cực kỳ mát lạ mà chả thấy ở đâu có nữa, rồi cà-ri chay tuyệt ngon Dum Aloo, món cà-ri cừu(?) khó nhằn vì nhiều xương ít thịt nhưng mỗi miếng lọc ra được đều xứng cái công sức, và Thali thì như cơm cho vua, với một đĩa to tướng chứa 5 đĩa cà-ri và các-loại-không-biết-tên, đủ sắc màu tươi tắn. Tôi cảm giác như danh sách cà-ri cứ dài vô tận, có một cái tên thôi mà trăm cái món, kính thưa các loại thịt, kính thưa các loại rau, mỗi trộn lại ra mỗi vị. Hồi xưa mù mờ về cà-ri, cứ nghĩ có mỗi gói gia vị đổ đổ vào nước hầm thịt là xong, thật có lỗi với nó quá. Huhu, tôi sẽ chuộc lỗi bằng cách ăn thật nhiều nữa được không?
Điểm trừ đáng ghét nhất ở đây, đấy là sự thiếu rau trầm trọng. Món
rau dùng kèm theo cà-ri là hành tây sống trộn với một vải cái gì băm băm
- món tôi kỵ nhất. Quá thèm rau gọi một đĩa salad thì cũng vớt vát được
chút dưa chuột, cà chua và táo. Chẳng hiểu các bạn ăn rau ở đâu nhưng
một tuần ở Ấn tôi chưa có một bữa nào được nạp xơ đúng nghĩa cả. Trước
chuyến đi chúng tôi rất lo nguy cơ tiêu chảy và mang rất nhiều berberin.
Nhưng cuối cùng cả lũ đều bị táo bón. Một kết cục hơi buồn cho món
cà-ri!
Dọc đường đi còn nhiều của ngon vật lạ lắm, có cơm briyani, bánh dosa to đùng giống như pancake bên trong béo ngậy phomát và nấm, các loại hạt tráng miệng - hạt hồi/thì là gì đó ăn kèm đường hay các gói hạt trông như kiểu mỳ trẻ em của mình, rồi sữa chua lassie chuối lassie xoài chính hiệu chứ không phải loại pha phách như ở Hà Nội, kebab đầy nhóc thịt bán ở cửa hàng phong cách fastfood... có những món đã thử và không nuốt nổi, có những món còn e dè chưa dám nếm, có những món ăn vào một lần nhớ đến giờ chưa hết. Tôi mà còn kể nữa chắc sẽ mất hàng giờ hàng trang blog làm chán nản người đọc mất.
|
Chuối - món tráng miệng quen thuộc ở mọi nơi |
|
Các loại cocktail màu siêu đẹp! |
|
Hạt tráng miệng ăn cùng đường |
|
Một món quà vặt không biết tên |
|
Rau trái ngồn ngộn thế này mà không hiểu chúng nó đi về đâu =( |
|
Bánh rỗng ruột, khi ăn lấy thìa xúc hỗn hợp kia vào. Nhưng Ku không thích lắm.
|
Ấn Độ sau khi đến đó có thể làm con người ta thay đổi suy
nghĩ về nhiều thứ. Mà một khi cái bụng cái dạ cũng thay đổi, thì còn gì
có thể khó tính nữa đây?